Tiêu chuẩn chung là những quy định bắt buộc mà nếu hàng hóa không đạt được ngưỡng này sẽ bị từ chối nhập khẩu, bị trả về, thậm chí cưỡng bức tiêu hủy ngay tại cảng nhập, đồng thời doanh nghiệp bị cấm xuất khẩu vào thị trường này trong một thời gian hoặc vĩnh viễn.
Tiêu chuẩn riêng là những quy định mang tính tự nguyện, khuyến khích và “cộng điểm” cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là các quy định về môi trường làm việc quan tâm đến sức khỏe, công bằng cho người lao động, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và phúc lợi động vật (giết nhân đạo, vận chuyển hợp chuẩn…).
Trong năm 2016, EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản từ châu Á. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú ý đảm bảo đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để tránh bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại khi xuất hàng vào EU.
Một số quy định mới của châu Âu
a) Thủy sản:
Ngày 28/4/2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã ban hành quy định số 2016/759 liên quan tới việc nhập khẩu một số sản phẩm trong đó có đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, glucosamine, nội dung chủ yếu thay thế các chứng thư tương ứng đã được ban hành kèm theo quy định số 2074/2005 ngày 05/12/2005 và các văn bản sửa đổi, có thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 02/12/2016.
b) Lâm sản:
Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT VPA) vào ngày 18/11/2016. VPA là một hiệp định thương mại có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa EU và một nước sản xuất gỗ bên ngoài EU. Cơ chế này giúp cải thiện việc quản trị rừng, xử lý nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận giữa Việt Nam và EU.
c) Nông nghiệp:
Nông nghiệp luôn là lĩnh vực rất nhạy cảm và được bảo hộ như là truyền thống của EU. Chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP) được sử dụng cho sản xuất trong khu vực và nâng sức cạnh tranh của nông sản EU trên toàn cầu. CAP giữ giá nông sản EU ở mức thấp, khiến nông dân các nước đang phát triển không thể cạnh tranh, ngăn cản các nước ngày tham gia vào thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Ngân sách dành cho CAP hiện còn khoảng 50 tỷ euro được sử dụng để bảo trợ ngành sản xuất trong nước vô điều kiện. Các công cụ của CAP áp dụng bao gồm các khoản trợ cấp xuất khẩu, các khoản thanh toán trực tiếp và thuế nhập khẩu cao. Đối với một số nông dân châu Âu, thậm chí 50% thu nhập của họ đến từ khoản trợ cấp của CAP.